Sốt cao phát ban do bất kỳ nguyên nhân nào đều nên dùng thuốc hạ sốt để ngăn tình trạng sốt kéo dài ở trẻ. Dưới đây là những điều phụ huynh cần biết khi sử dụng thuốc hạ sốt dành cho trẻ.
Dùng thuốc hạ sốt an toàn
Sốt phát ban ở trẻ rất phổ biến, trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C nên dùng thuốc hạ sốt nhưng cũng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua về dùng vô tội vạ.
Những điều cần nhớ khi dùng thuốc cho trẻ:
– Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt không nên tự ý mua các loại thuốc không kê đơn cho trẻ uống.
– Chú ý dùng đúng loại, phù hợp theo nhóm tuổi của trẻ. Tùy theo khả năng hấp thụ của trẻ mà bạn chọn mua thuốc hạ sốt dạng ống, dạng gói hay đặt hậu môn…
– Dựa trên cân nặng của trẻ để canh đúng liều lượng chuẩn. Theo chỉ định là 10mg – 15mg/kg/lần, chỉ nên uống khi trẻ sốt cao.
– Không nên dùng thuốc hạ sốt quá liều, nếu trẻ còn sốt sau 4 tiếng kể từ khi uống thuốc thì cho trẻ uống thêm 1 liều nữa. Tổng liều không quá 60mg/kg/24 giờ.
– Trẻ sốt cao không hạ, không đáp ứng thuốc thì nên đưa trẻ đi khám ngay.
Tìm hiểu các loại thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả được dùng cho trẻ đó là Paracetamol (hoặc acetaminophen). Đây là loại thuốc được bác sĩ hay chỉ định dùng cho các trường hợp sốt thông thường.
Ibuprofen: công dụng mạnh hơn loại trên nhưng không được dùng khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Loại thuốc này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ cho trẻ nên sử dụng cần phải được theo dõi chặt chẽ.
Khi nào không nên dùng thuốc hạ sốt?
– Với trẻ dưới 6 tháng tuổi bị sốt.
– Trẻ có vấn đề đường tiêu hóa như loét dạ dày hay sốt xuất huyết.
– Cơ địa dị ứng với thành phần trong Ibuprofen, Aspirin…
– Trẻ có tiền sử hen suyễn, co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, tim mạch, suy gan hoặc suy thận.
Một thắc mắc khá phổ biến của phụ huynh đó là có nên pha thuốc hạ sốt vào sữa cho trẻ dễ uống? Thuốc hạ sốt hay bất kỳ loại thuốc nào đều có thể phản ứng với sữa, có thể làm mất công dụng hoặc bị biến chất, gây hại cho cơ thể do đó điều này là không nên.