Sốt phát ban ở trẻ tuy đa phần không quá nghiêm trọng, nhanh khỏi nhưng bố mẹ cũng không nên chủ quan nhất là trong thời điểm dịch bệnh, thời tiết thất thường hiện nay chính là điều kiện cho nhiều loại virus phát triển.
Cẩn thận khi trẻ sốt siêu vi
Bác sĩ nhi khoa khi chưa chẩn đoán được liệu trẻ bị gì khiến cơ thể bị sốt, thường sẽ ghi trong đơn thuốc là trẻ sốt siêu vi. Có thể đó là sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt cao phát ban, hay là bệnh tay chân miệng. Do đó để biết chính xác nguyên nhân để có thể điều trị dứt điểm, bạn nên đưa trẻ đi khám khi mới sốt vài ngày đầu tiên.
Trong trường hợp không tìm ra nguyên nhân, bác sĩ vẫn giữ nguyên chẩn đoán là bé bị nhiễm siêu vi và thời gian bệnh trong vòng 5-7 ngày. Nhưng nếu như trẻ bị nhiễm các loại virus cúm như H1N1, H5N1, H7N9 hay nCoV có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong.
Trẻ sốt cao phát ban có thể lên tới 40-41 độ C. Khi thân nhiệt giảm xuống, hết sốt thì trẻ có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên nếu trẻ không được hạ sốt kịp thời rất dễ dẫn đến hiện tượng bị co giật, tăng tiết đàm nhớt. Ngoài bị sốt, trẻ còn đau nhức toàn thân, nhức đầu, ho, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa, phát ban, viêm kết mạc mắt, buồn nôn và nôn trớ… Sau sốt trẻ phát ban đó chính là dấu hiệu của bệnh sắp khỏi hoàn toàn và trẻ dần hồi phục bình thường.
Để điều trị sốt siêu vi nói chung, hiện chưa có thuốc đặc hiệu. Chủ yếu dùng các thuốc giảm đau hạ sốt để điều trị triệu chứng. Bạn có thể điều trị trẻ bị sốt siêu vi tại nhà, nhưng cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ sốt cao, cụ thể là trên 38,5 độ C mặc ít quần áo lại và cho trẻ uống paracetamol với liều 10-15 mg/kg/lần, ngày uống tối đa 4 lần. Sốt trên 39 độ C bạn nên tiến hành lau nước ấm toàn thân cho trẻ, trong khi đó chờ thuốc hạ sốt phát huy tác dụng hoặc trẻ đang bị co giật. Chỉ nên dùng biện pháp lau mát hạ sốt cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, còn ở trẻ sơ sinh điều này dễ gây hạ thân nhiệt đột ngột.