Nhiều bệnh có triệu chứng chung là sốt, do đó rất dễ nhầm lẫn nếu chúng ta không tìm hiểu các biểu hiện khác đi kèm. Chẳng hạn như sốt cao mất vị giác, sốt co giật… Dưới đây là những thông tin bổ ích giúp bạn nhận dạng các loại bệnh sốt phổ biến để có cách điều trị thích hợp.
1/ Sốt thường
Mỗi khi cơ thể có phản ứng với các loại virus gây cảm cúm hoặc cảm lạnh, viêm họng, hay bất cứ tình trạng viêm nào đó do tổn thương mô hoặc bệnh lý khác thì triệu chứng thường thấy là sốt. Sốt thường có nghĩa là những cơn sốt đột ngột, đa phần là sốt không quá cao, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài tác nhân virus, người bị cảm nắng, cảm lạnh, bị tác dụng phụ của thuốc hoặc hóa chất cũng làm thân nhiệt tăng gây sốt.
Đặc điểm của sốt thường đó là nhiệt độ không cố định mà có sự dao động ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Đa phần thân nhiệt thường cao hơn nếu đo vào buổi chiều.
2/ Sốt do virus
Nhìn chung, sốt do virus khá đa dạng vì bên ngoài môi trường tự nhiên có đến hàng ngàn chủng loại virus khác nhau, do đó sốt virus hay còn có tên gọi chung như sốt siêu vi. Trẻ em bị sốt siêu vi thường có nhiều biểu hiện nghiêm trọng và dễ gặp biến chứng hơn ở người lớn vì hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, chưa hoàn thiện. Đặc biệt khi sốt cao từ 39 độ, trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi dễ gặp tình trạng sốt cao co giật. Sốt cao co giật ở người lớn hiếm gặp hơn.
Đặc điểm sốt virus:
Cả người mệt mỏi, lờ đờ.
Người bị sốt virus hay đau đầu, đau nhức toàn thân, đặc biệt là ở các cơ vận động.
Sốt: Biểu hiện của sốt siêu vi khá đa dạng. Tuy nhiên cần lưu ý khi thấy thân nhiệt tăng lên đến 39 hay 40 độ C, tức là tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể trở nặng, cần phải được đi cấp cứu nhanh. Trường hợp mất vị giác có thể xảy ra khi bị sốt virus, nhưng không thường xuyên.
Sốt virus gây ra những cơn sốt lúc nóng lúc lạnh, khiến người bệnh bị ho và chảy nước mũi.
Nghẹt mũi, thở khò khè là hệ quả của ho và sổ mũi kéo dài do sốt.
Phát ban: Có thể xuất hiện tình trạng sốt cao mắt đỏ, nổi mẩn đỏ trên da.