Chăm sóc bé bị tay chân miệng nếu không đúng cách có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một vài quan niệm sai lầm phổ biến của bố mẹ về bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Kiêng nước cho bé
Không ít phụ huynh quan niệm rằng khi thấy dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng liền kiêng nước cho trẻ vì nghĩ làm thế bệnh nhanh khỏi. Đây chính là quan niệm sai lầm bởi nếu bố mẹ ủ trẻ quá kín và không tắm rửa, trẻ dễ bị nhiễm trùng da và có sẹo sau này. Tốt nhất các nốt ban trên da cần được thông thoáng sẽ nhanh lành hơn.
Phòng bệnh bằng cách cho trẻ ở nhà
Bệnh tay chân miệng dễ lây nhiễm từ cộng đồng, nhưng cũng có thể bé tiếp xúc trung gian với người chăm sóc. Thậm chí dù không đi nhà trẻ, bé vẫn có khả năng mắc bệnh từ người lớn không có triệu chứng. Do đó không nên chủ quan mà hãy phòng bệnh dù là cho bé ở nhà. Nếu thấy trẻ em bị sốt kèm nổi sần trên da, hãy đưa đi khám ngay.
Triệu chứng bệnh phải có ở tay, chân, miệng cùng lúc
Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ em điển hình thì bé sẽ có biểu hiện viêm loét miệng đi kèm nổi nốt ban ở lòng bàn tay, bàn chân. Nhưng không phải trẻ nào cũng thế. Vẫn có những trường hợp trẻ chỉ bị loét miệng hoặc chỉ có nốt sần ngoài da dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác.
Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đi khám ngay để kiểm tra xem có phải là bệnh tay chân miệng hay không.
Tích cực dùng thuốc bôi lên da
Các tổn thương da ở bệnh tay chân miệng không làm đau trẻ nên không cần phải bôi thuốc ngoài da khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc bôi có thể làm mất đi các dấu hiệu của bệnh trên da do đó làm bác sĩ khó theo dõi diễn tiến của sang thương da hay biểu hiện chân tay miệng ở trẻ em.
Phòng ngừa như thế nào?
Nhằm phòng bệnh trong mùa dịch tay chân miệng tăng nhanh, bố mẹ có con nhỏ cần chú ý giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Nhất là các món đồ chơi cho bé cần rửa và khử trùng thường xuyên bằng xà phòng và cồn, lau nhà cửa mỗi ngày.