Sốt cao và nôn ở trẻ em cần được theo dõi sát sao và xử lý kịp thời. Dưới đây là những thông tin giúp bố mẹ hiểu hơn về hiện tượng này và cách xử lý phù hợp.
1/ Hiện tượng nôn và sốt ở trẻ
Tùy vào độ tuổi và hiện tượng trẻ sốt cao ăn vào nôn ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi (còn bú mẹ), nguyên nhân nôn ói có thể là do bị tắc dạ dày (hẹp môn vị) hoặc tắc ruột. Trường hợp khác là nhiễm trùng đường ruột hoặc nhiễm trùng toàn thân. Nếu trẻ sốt từ 38 độ C trở lên kèm nôn ói, nên đưa đi khám tại cơ sở y tế.
Ở trẻ lớn hơn, nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày – ruột, thường do siêu vi trùng gây ra khi trẻ ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc ngậm tay bị nhiễm bẩn. Nguyên nhân khác có thể do ăn thức ăn được chế biến sẵn, hoặc bảo quản không đúng cách nhưng ít hơn.

Sốt cao nôn ở trẻ em do viêm dạ dày – ruột thường bắt đầu đột ngột và hồi phục nhanh trong 24 giờ. Những dấu hiệu khác có thể xảy ra: tiêu chảy, sốt hoặc đau bụng. Ngoài ra trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày, tắc ruột cũng khiến trẻ hay bị nôn.
2/ Điều bố mẹ nên làm
Đầu tiên khi thấy trẻ bị nôn, bố mẹ nên theo theo dõi tình trạng mất nước ở bé. Các dấu hiệu nhẹ là: môi khô, khát nước. Lúc này có thể cho trẻ uống nước bù. Trẻ có dấu hiệu mất nước trung bình hoặc nặng đó là tiểu ít, khóc không ra nước mắt, miệng khô, mắt trũng thì cần được đưa đến bệnh viện nhanh chóng.

Nếu trẻ đang bú mẹ mà bị nôn ói, cũng cần tiếp tục cho bú trừ khi có bệnh lý mà nhân viên y tế khuyên không cho bú. Mẹ hãy cố gắng cho trẻ bú nhiều lần, mỗi lần từng ít một, ví dụ, cách 30 phút cho con bú một lần, mỗi lần 5 – 10 phút. Nếu tình trạng nôn ói giảm sau 2 – 3 giờ, mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ bú lại như bình thường. Nếu trẻ nôn ói nặng hơn sau 24 giờ hãy đưa trẻ đi khám.
Khi cho trẻ uống thêm nước, bố mẹ nên tránh uống nước có quá nhiều đường, hay ăn thức ăn có nhiều mỡ sẽ khó hấp thu.