Sốt cao nếu không xử lý kịp có thể dẫn đến nhiều rủi ro biến chứng nguy hiểm hơn. Trẻ em sốt cao thì làm thế nào? Dưới đây là một số cách hạ sốt hiệu quả mà bố mẹ có thể thực hiện tại nhà.
1/ Lau người bằng nước ấm
Để hạ sốt hiệu quả, bố mẹ cần biết cách thực hiện sao cho đúng. Cởi quần áo của trẻ rồi lấy khăn mềm thấm nước ấm (lưu ý nước âm ấm không quá nóng), vắt bớt nước sau đó lau vùng nách và bẹn của trẻ. Tiếp đến lấy khăn ấm lau toàn thân. Việc này có tác dụng làm giãn mạch máu hỗ trợ hạ sốt, làm mát cơ thể. Sau 30 phút đến 1 tiếng bạn có thể đo thân nhiệt lại cho trẻ, nếu thấy nhiệt độ giảm tức là bé đã hạ sốt.
2/ Uống nhiều nước
Trẻ 3 tuổi sốt cao bị mất nhiều nước. Lúc này bạn nên cho con uống nhiều nước hơn, có thể là nước lọc, nước trái cây hoặc dung dịch điện giải oresol để bù lại lượng nước mất đi. Nấu các món ăn lỏng, dễ nuốt dễ tiêu như cháo, súp giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn và đây cũng là cách bù nước cho trẻ.
Sốt cao ở trẻ sơ sinh nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường. Trẻ đang ăn dặm nên cho ăn những món đầy đủ dinh dưỡng, giúp giải cảm, hạ sốt.
3/ Dùng thuốc hạ sốt
Trẻ bị sốt từ 38,5 độ C trở lên có thể cho uống thuốc hạ sốt. Trẻ có thể uống paracetamol ở dạng gói hay sirô vì đây là loại được bào chế riêng phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có tác dụng hạ sốt hiệu quả. Sau khi uống 30 phút thuốc sẽ phát huy công dụng và hiệu quả có thể kéo dài từ 4 – 6 giờ. Chú ý dùng đúng liều lượng chỉ định là 10 – 15mg/kg thể trọng/lần, mỗi lần uống cách nhau 4 giờ. Số lần dùng thuốc tối đa 3 – 4 lần/ngày, tổng liều lượng không quá 60mg/kg thể trọng/ngày. Nếu trẻ đang ngủ, mệt không uống trực tiếp được bạn có thể dùng thuốc hạ sốt nhét hậu môn, tuy nhiên hiệu quả chậm hơn đường uống.
Dựa theo cân nặng hiện tại của trẻ mà bố mẹ cân nhắc liều dùng phù hợp. Tuy nhiên trước khi dùng thuốc cho trẻ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất.